==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

Mảnh đất Nghệ An hồn hậu, địa linh nhân kiệt đã sản sinh ra nhiều đặc sản mà ai "lỡ" nếm thử một lần cũng vương vấn mãi không thôi. Những món ngon của Nghệ An mang chất riêng đặc biệt đến nỗi bất cứ ai có cơ hội được thưởng thức đều nhớ mãi không quên... Phần 3 của bài viết, chúng tôi tiếp tục giới thiệu đến các bạn những món ăn ngon hấp dẫn khi tham gia chuyến đi biển.

Những Món Đặc Sản Ngon Khó Cưỡng Khi Tới Những Món Đặc Sản Ngon Khó Cưỡng Khi Tới

Mảnh đất Nghệ An hồn hậu, địa linh nhân kiệt đã sản sinh ra nhiều đặc sản mà ai "lỡ" nếm thử một lần cũng vương vấn mãi không thôi. Những món ngon của Nghệ An mang chất riêng đặc biệt đến nỗi bất cứ ai có cơ hội được thưởng thức đều nhớ mãi không quên... Phần 3 của bài viết, chúng tôi tiếp tục giới thiệu đến các bạn những món ăn ngon hấp dẫn khi tham gia chuyến đi biển Cửa Lò.

Mắm Cua Đồng

Từ cua đồng, người ta có thể chế biến được rất nhiều món, món nào cũng rất ngon và đậm đà hương đồng ruộng như: cua đồng rang muối, lẩu cua đồng, canh cua nấu với rau khoai lang, rau cải, măng rừng, bún cua… Những món ấy hầu như người dân vùng quê nào cũng biết ăn, biết làm. Riêng có một món mà chỉ một số nơi như Hương Sơn, Đức Thọ, Thạch Hà…đã “sáng chế” và duy trì đến tận bây giờ - mắm cua đồng. Mắm cua còn gọi là mắm đam có vị cay, ngọt, ăn mãi không thấy chán. Vị ngọt của cá, vị mặn của mắm, mùi thơm của gừng và vị cay nồng của ớt ngấm xuống tận đáy cổ. Dù bụng đã no mà vẫn còn cảm thấy thèm thèm.

Mắm Cua Đồng - Ảnh 1

 

Mắm cua được làm chủ yếu từ cua đồng và 1 số phụ gia khác như thính ngô, riềng, hạt tiêu, hành tăm, nghệ và đặc biệt là phải có vỏ quả tắt (một loại quýt rừng có mùi rất thơm). Chẳng biết ai đã nghĩ ra cách cho vỏ tắt vào mắm cua nhưng quả là cách phối hợp rất mang lại hiệu quả rất cao. Quy trình làm mắm cua cũng lắm công phu. Cua đem về ngâm trong nước lã chừng vài hôm cho nhả hết bùn đất, sau đó cho vào cối đá giã nhuyễn, thêm vào vài gáo nước lã rồi vớt ra lược lấy nước cua. Sau đó cho muối hạt vào, đun sôi thành mắm cua tươi. Muốn cho thơm ngon, thêm vào vài lát gừng hay vài lát măng tre, ớt chín.

 

Mắm cua tươi múc ra tô còn bốc hơi bay mùi thơm phức, ngả mầu, vàng ươm, nổi lên lớp gạch đặc quánh. Mắm này ăn với bún thì ngon tuyệt! Nếu thêm vào một ít rau thơm nữa thì mùi vị càng hấp dẫn. Còn muốn có mắm cua chua để được lâu ngày thì lúc giã cua, lược lấy nước cua xong cho thêm thật nhiều muối hạt, khuấy đều. Xong cho vào hũ sành đậy kín  rồi đặt cạnh bếp củi. Sau khoảng 7 ngày là đã dậy lên đầy đủ hương vị của đồng quê với vị ngọt của thịt cua, vị béo của gạch cua và mùi thơm của các loại phụ gia. Mắm cua có thể dùng nguyên như thế hoặc một số người lại chế biến thêm lần nữa bằng cách chưng lên với tỏi, hành phi mỡ.

 

Mắm Cua Đồng - Ảnh 2

 

Dù chế biến bằng cách nào thì mắm cua cũng rất thơm ngon và có thể dùng với cơm nóng và rất nhiều loại rau luộc như: ngọn khoai lang, rau cải, rau mùng tơi...Thế nên, những ai đã thưởng thức, đã trót mê hương vị của loại mắm này thì sẽ nhớ đến tận mùa sau.

Cam Vinh

Cam Vinh Nghệ An là một đặc sản lâu đời, có hương vị thơm, ngọt đặc trưng được người tiêu dùng ưa chuộng. Cam Vinh quả tròn đều, mọng nước, vàng đều. Màu vàng của cam Vinh là màu vàng tươi chanh pha với màu xanh, chứ không phải màu vàng da cam. Kể cả phần tép cam cũng vàng nhẹ chứ không phải màu vàng cam. Cam Vinh nghệ an không được trồng trên đất Vinh, nhưng tập trung buôn bán ở Vinh, thành thị lâu đời của miền đất gió Lào nên Cam được đặt tên theo tên của thành phố.

Cam Vinh - Ảnh 1

 

Nguồn Cam Vinh được trồng chủ yếu trên địa bàn Xã Minh Hợp – Huyện Quỳ Hợp – Nghệ An và được sự quản lý bởi Nông trường quốc doanh Xuân Thành và Nông trường quốc doanh 3/2. Hiện tại khu vực này được cả chứng nhận chỉ dẫn địa lý và chứng nhận VietGAP, tuân thủ đầy đủ quy trình kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm. Giá thành cam Vinh cao, mỗi năm thu hoạch một mùa, nên đắt hơn các loại cam bình thường khác trên thị trường. Phải đến 90% cam tự xưng là cam Vinh không phải là cam Vinh.

Cam Vinh - Ảnh 2

 

Cam Vinh thường được dùng để ăn miếng bổ cau, ép lấy nước cam, xay lấy sinh tố. Phần vỏ cam ép lấy tinh dầu. Phần hạt cam cũng được dùng để làm nước gội đầu. 

Bánh Đa Đô Lương

Từ lâu Bánh đa vừng đen đã không chỉ là một món ngon được ưa thích của vùng Đô Lương xứ Nghệ mà nó còn trở nên nổi tiếng với bạn bè trên khắp đất nước. Bánh đa đơn sơ, mộc mạc nhưng mang vị ngon của quê hương qua bàn tay chế biến tài hoa của những người thợ làm một món quà nhỏ đầy ý nghĩa. Những chiếc bánh tròn, xinh như chiếc lá sen, dày hơn, nhiều vừng đen hơn so với các loại bánh tráng ở miền Nam hay miền Bắc.

Bánh đa được làm từ bột gạo, tiêu, tỏi và các gia vị khác. Những nguyên liệu này tuy dễ kiếm nhưng phải đảm bảo nhiều yêu cầu khắt khe để có được chiếc bánh ngon. Gạo phải là thứ gạo trắng, tuyệt đối không lẫn trấu hay cám lọt vào, nếu không sẽ làm cho bánh bị cợn, vẩn đục gây mất ngon. Gạo được xay nhuyễn với nước rồi trộn với thứ vừng (mè) đen hảo hạng, không có hạt vỡ cùng với tỏi giã nhỏ, tiêu đâm mịn và những gia vị vừa đủ rồi tráng bằng nồi hấp. Khi bánh chín thì vớt ra, cho lên các giá để phơi cho đến khi bánh khô giòn. Công đoạn tráng bánh khá công phu, đòi hỏi sự khéo léo của người thợ. Nếu người thợ tráng hơi non tay thì bánh không có được độ đều và dày cần thiết để khi bánh đã khô có thể nướng hoặc chiên sẽ phồng đều mà không bị vẹo bánh.

Bánh Đa Đô Lương - Ảnh 1

Ở Đô Lương có nhiều làng làm bánh, nhưng nổi tiếng nhất và ngon nhất là bánh của làng Vĩnh Đức ở thị trấn. Các cụ cho biết, sở dĩ bánh làng Vĩnh Đức ngon nhất do mạch nước ở đây làm cho cây lúa làng có hương vị đặc trưng riêng. Do đó, khi lấy nguyên liệu ở nơi khác về làm bánh thì cũng không ngon như bánh làm bằng nguyên liệu tại chỗ. Còn các nguyên liệu phụ, vừng làm cho cái bánh thêm vị bùi bên cạnh độ ngọt của bột gạo, tiêu và tỏi làm cho bánh thơm, khi ăn có vị cay nồng dễ chịu. Muốn ăn bánh thì người ta nướng lên bằng than củi.

Bánh Đa Đô Lương - Ảnh 2

Bánh đa là thứ bánh dân dã, dễ ăn kèm với các món khác hoặc ăn riêng cũng được. Thông thường, bánh được ăn kèm với bánh mướt (một thứ bánh cũng tráng bằng bột gạo nhưng ăn ngay khi còn nóng). Cái dẻo của bánh mướt quấn vào một miếng bánh đa, chấm vào bát nước mắm cay khi cắn lên nghe tiếng "rốp" thật đã biết bao! Bây giờ đời sống cao, người ta thường ăn bánh mướt kèm với giò, chả nhưng nhiều người vẫn nhớ và thích ăn cái kiểu "nửa khô nửa ướt" ấy. Ngoài ra, món "bún giá cá ruốc" sẽ ngon nhờ một miếng bánh đa, bỏ lên ít bún, thêm ít giá sống và một mẩu nhỏ cá hấp, rồi chấm vào bát ruốc đã đâm ớt vắt chanh. Vị cay nồng hòa cùng vị ngọt bùi thêm tí chua khiến khi ăn mồ hôi túa ra thật sảng khoái. Bao nhiêu người xa quê cứ nhớ cái món ăn thuở nhỏ trong một phiên chợ sáng đó để rồi day dứt, mong ngóng ngày về...

Tương Nam Đàn

Tương Nam Đàn là một loại nước chấm, nước chan được nấu từ hạt đậu tương và gạo nếp hoặc hạt ngô làm mốc, tuy không phải là cao lương mỹ vị nhưng đã trở thành một món ăn truyền thống, một đặc sản của xứ Nghệ. Theo những người dân ở Nam Đàn, nghề làm tương và những món ăn từ tương đã gắn với người dân xứ này từ xa xưa. Dù khoai sắn cầm hơi hay cơm thịt đủ đầy vẫn không thể thiếu được bát tương giữa mâm cơm hằng ngày.

Tương Nam Đàn - Ảnh 1

 

Tương Nam Đàn là cái tên mới nổi lên trong làng ẩm thực Việt. Trước đây, mọi người thường biết nhiều hơn đến tương Bần (Hưng Yên), tương Cự Đà (Hà Tây). So với hai loại tương kia, tương Nam Đàn có nét độc đáo, khác biệt rõ rệt. Tương Nam Đàn thường là  "tương mảnh", hạt đậu làm tương chỉ xay vỡ thành "mảnh đậu" chứ không "nát như tương Bần". Những mảnh đậu lơ lửng trong nước tương đặc quánh, thơm phức và ngọt lịm. Dù tỷ lệ muối để làm tương không ít, nhưng vị mặn của muối biển đã loãng đi, nhường chỗ cho vị thơm ngây ngất của thứ nước chấm đặc sắc, đậm đà. Chai tương Nam Đàn không có mầu nâu như tương Bần, mà vàng song sánh như mật ong. Không ai có thể cưỡng nổi sức hấp dẫn trước hương vị tương quê hương.

Làm tương Nam Đàn đòi hỏi sự công phu và tỉ mỉ, không phải ai cũng có thể thành công. Một vại tương ngon, đúng hương vị đặc trưng của tương Nam Đàn thường do những người già, sinh ra, lớn lên ở Nam Đàn mới có thể làm được. Tương đạt yêu cầu là tương có ba lớp, trên là đậu nổi lên, giữa là nước và dưới cùng là mốc. Một điều thú vị là người dân Nam Đàn chỉ làm tương vào tháng sáu âm lịch hàng năm. Cũng giống như mắm, tương có thể để rất lâu, dùng ăn cho cả năm mà không sợ hư. Chính vì thế với những người dân quê đạm bạc tương là món ăn mặn, dùng để dành rất tốt. 

Công đoạn đầu tiên của quy trình làm tương là làm mốc. Mốc được làm từ hạt ngô hoặc nếp, trước đây thường làm bằng ngô nhưng bây giờ chủ yếu làm bằng nếp. Phải chọn loại nếp chính mùa, hạt chắc mẩy và có mùi thơm. Nếp được vò kỹ và hông thành xôi, sau đó rải đều ra nong. Khi xôi nguội, người làm rưới vào một ít nước chè đặc và đem ủ kín bằng lá nhãn. Sau hơn 10 ngày, nếu mốc có màu hoa cải hoặc màu đen óng như mật mía là đạt yêu cầu. Đây được xem là công đoạn khó nhất trong quy trình làm tương, quyết định cơ bản sự thành bại của sản phẩm.

Tương Nam Đàn - Ảnh 2

Công đoạn tiếp theo là chế biến đỗ tương. Phải chọn loại chính mùa, hạt đều tăm tắp đem vò kỹ, phơi khô và rang. Muốn tương thơm ngon phải rang chín đều nên khi rang phải nhỏ lửa, tốt nhất là rang vào nồi đất đỗ sẽ chín rất đều. Khi nguội, đỗ được đem xay vỡ đôi rồi pha nước lã sạch và cho lên bếp, nấu khoảng chừng 10-12 giờ. Nấu xong, nước đỗ được chuyển sang chum và đem phơi nắng chừng 1 tuần, khi nước đỗ tỏa mùi thơm ngào ngạt là lúc có thể ngạ tương. 

Công đoạn ngạ tương thường được thực hiện vào đêm khuya, người làm tương đem mốc và muối trộn vào chum nước đỗ đã phơi và dùng thanh tre khuấy đều, sau đó che đậy chum tương cẩn thận. Lưu ý là phải chọn loại muối tốt, đem phơi vài ba nắng để các loại tạp chất bay đi và tan đi rồi mới dùng để ngạ tương. Các loại nguyên liệu làm tương được pha trộn với một tỷ lệ nhất định, tùy thuộc vào bí quyết và kinh nghiệm của từng gia đình. Ngạ tương xong, hàng ngày vào buổi sớm, người làm tương mở chum, dùng thanh tre khuấy đều để nước, đỗ và mốc luôn được hòa tan vào nhau. Cứ thế, khoảng từ 1 tháng rưỡi đến 2 tháng sau, khi mở chum ra, mùi thơm phức dậy lên và lan tỏa, ấy là lúc chum tương đã dùng được.

Tương Nam Đàn - Ảnh 3

Tương Nam Đàn dùng để làm nước chấm thịt luộc, dùng để kho cá, chấm rau, chấm đậu, ăn với cơm hàng ngày. Hoặc dùng làm nước chan. Vào mùa hè dùng nước tương chấm với ngọn khoai lang luộc, rau muống luộc, bí luộc ăn với cơm, vừa mát, vừa đậm đà hương vị đồng quê. Thịt bò, thịt bê luộc chấm với nước tương ngọt có ít gừng, tỏi, thì tạo ra hương vị đặc biệt khó quên khi thưởng thức. Người dân Nam Đàn thường giã nhỏ lạc rang hay vừng đen hoà với nước tương sền sệt để chấm chuối xanh hay khế chua thái mỏng ăn với cơm. Vắt xôi nếp mà chấm với nước tương ngọt cũng rất đậm đà.

hành trình Cửa Lò: Những Món Ăn Ngon Khó Cưỡng (P3)

hành trình Cửa Lò: Những Món Ăn Ngon Khó Cưỡng (P3)
20 2 22 42 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==